Bệnh viện Nhi Thanh Hóa
Bài Viết Chuyên MônTin Tức

HIỂU ĐÚNG VỀ TỰ KỶ

1. Khái niệm:

Theo ICD-10: “Tự kỷ là một rối loạn lan tỏa phát triển được xác định bởi một sự phát triển không bình thường và hay giảm sút biểu hiện rõ rệt trước 3 tuổi, và bởi một hoạt động bất thường đặc trưng trong 3 lĩnh vực: tương tác xã hội, giao tiếp và những hành vi định hình lặp lại. Rối loạn này thường xuất hiện ở con trai nhiều hơn”

Theo DSD-V:Tự kỷ là một dạng rối loạn phát triển. Đặc trưng bởi hai khiếm khuyết chính về: Giao tiếp xã hội; Có hành vi, sở thích mang tính hạn hẹp, lặp đi lặp lại

2. Nguyên nhân:

Nguyên nhân chính xác của rối loạn phổ tự kỷ hiện giờ vẫn chưa được xác định

Không có một nguyên nhân duy nhất gây ra tự kỷ và không có một kiểu tự kỷ duy nhất.

Trong hầu hết trường hợp, tự kỷ có vẻ là sự kết hợp của các gen nguy cơ cho tự kỷ và các yếu tố môi trường ảnh hưởng lên sự phát triển sớm của não bộ.

Một số yếu tố nguy cơ tăng cao khả năng sinh con tự kỷ: Tuổi của bố mẹ lúc sinh con; Mẹ ốm đau trong lúc mang thai; Khó khăn trong sinh nở; Bố mẹ khó có con, phải chờ đợi lâu hoặc dùng các biện pháp hỗ trợ sinh sản, sinh non; Bố hoặc mẹ có những vấn đề về tâm lý, tâm thần, tính cách, v.v.

3. Các triệu chứng cốt lõi của Rối loạn phổ tự kỷ

Khiếm khuyết chất lượng quan hệ xã hội: suy yếu các hành vi giao tiếp phi ngôn ngữ được sử dụng trong tương tác; bắt đầu duy trì hội thoại kém; nhại lời

Các kiểu hành vi, sở thích bất thường, định hình lặp lại

Các vấn đề sức khỏe, thể chất đi kèm với rối loạn phổ tự kỷ

4. Các dấu hiệu nhận biết rối loạn phổ tự kỷ ở giai đoạn nhỏ

Dấu hiệu nhận biết trẻ em rối loạn phổ tự kỷ là không giống nhau ở mỗi giai đoạn. Tuy nhiên, dựa trên những dấu hiệu cơ bản ở các giai đoạn phát triển  giúp theo dõi các biểu hiện hành vi của trẻ, ở mỗi giai đoạn khác nhau của sự phát triển, các biểu hiện của rối loạn phổ tự kỷ được bộc lộ khác nhau.

Giai đoạn 1: Mới sinh đến 6 tháng tuổi

-Dễ la hét, cáu giận

-Không với lấy đồ vật khi đưa trước mặt trẻ.

-Không có những âm thanh bi bô.

-Thiếu nụ cười giao tiếp.

-Thiếu giao tiếp bằng mắt.

-Không có phản ứng khi được kích thích.

-Phát triển vận động có thể bình thường

Giai đoạn 2: Từ 6 đến 24 tháng

-Không thích âu yếm, cơ thể có thể mềm yếu hay cứng nhắc khi được ôm.

-Không thân thiện với cha mẹ.

-Gọi tên hầu như không phản ứng đáp lại.

-Không chơi các trò chơi xã hội đơn giản (“Ú à”, “Bye-bye”).

-Chưa có dấu hiệu ngôn ngữ.

-Dường như không quan tâm đến các đồ chơi của trẻ em.

-Thích nhìn ngắm các bàn tay của mình.

-Không nhai hoặc không chấp nhận những thức ăn cứng.

-Thích đi kiễng chân – đi bằng 5 đầu ngón chân.

Thường phát ra các âm thanh vô nghĩa

Giai đoạn 3: Từ 2 đến 3 tuổi

-Thích chơi một mình, không kết bạn, tránh giao tiếp.

-Không nói được từ có 2 tiếng trở lên khi đã 2 tuổi.

-Thích xem sách, tạp chí, các nhãn mác và logo quảng cáo.

-Coi người khác như một công cụ – kéo tay người khác khi muốn yêu cầu.

-Chưa biết dùng ngón trỏ để chỉ điều trẻ muốn.

-Sử dụng đồ chơi không thích hợp.

-Không có nỗi sợ giống trẻ bình thường, đồng thời có những hoảng sợ một cách vô cớ.

-Không hợp tác với sự chỉ dẫn, dạy bảo của người lớn.

-Không biết gật đầu đồng ý và lắc đầu không đồng ý.

-Tránh giao tiếp bằng mắt, không nhìn thẳng vào người đối diện.

-Tránh giao tiếp bằng mắt, không nhìn thẳng vào người đối diện.

-Không đoán biết được những nguy hiểm.

-Thích ngửi hay liếm đồ vật.

-Thích chạy vòng vòng, xoay vòng vòng và quay các loại bánh xe.

-Ngưng nói ở bất cứ tuổi nào, dù trước đó đã biết nói.

Giai đoạn 4: Từ 4 đến 5 tuổi

-Trẻ bị chậm nói, nếu có ngôn ngữ phát triển, có thể có chứng nhại lời (lặp lại theo kiểu học vẹt những gì người khác nói).

-Có vẻ rất nhớ đường đi và địa điểm.

-Thích các con số và thích đọc tiếng nước ngoài.

-Rất tốt khi thao tác các sản phẩm điện tử.

-Thích nhìn nghiêng hay liếc mắt khi ngắm nghía đồ vật.

-Không biết chơi tưởng tượng, chơi giả vờ, chơi đóng vai.

-Giọng nói kỳ cục (chẳng hạn như cách nói nhấn giọng hay đơn điệu).

-Rất khó chịu khi thay đổi thói quen hàng ngày.

-Giao tiếp mắt vẫn còn hạn chế, dù có thể đã có một số cải thiện.

-Tương tác với người khác gia tăng nhưng vẫn còn hạn chế.

-Các cơn giận và sự gây hấn vẫn tồn tại nhưng có thể dần dần cải thiện.

-Tự làm tổn thương mình.

-Tự kích động.

5. Sàng lọc và chẩn đoán Rối loạn phổ tự kỷ

* Các phương pháp sàng lọc trẻ rối loạn phổ tự kỷ

– Phỏng vấn thông tin từ gia đình

– Quan sát trẻ

– Tương tác và chơi trực tiếp với trẻ

– Sử dụng các công cụ đánh giá

* Đánh giá chẩn đoán Rối loạn phổ tự kỷ

– Lịch sử phát triển và sức khỏe toàn diện

– Đánh giá về tâm lý

– Đánh giá về giao tiếp

– Đánh giá về y khoa (thực thể)

– Các lĩnh vực vận động, Tâm thần kinh

– Lịch sử y tế và phát triển

– Quan sát hành vi

– Đánh giá nhận thức, giao tiếp và các kỹ năng thích nghi xã hội

* Nguyên lý trong chẩn đoán trẻ rối loạn phổ tự kỷ

– Các phương pháp và công cụ sử dụng trong chẩn đoán và đánh giá trẻ rối loạn phổ tự kỷ cần đảm bảo có cơ sở khoa học dựa trên thực chứng.

– Người đánh giá cần đảm bảo tính khách quan trong làm việc, đưa ra chẩn đoán và tư vấn cho gia đình trẻ có rối loạn phổ tự kỷ.

– Tôn trọng trẻ và gia đình, không có các hành vi gây tổn hại về tâm lý và cơ thể đối với trẻ và gia đình trẻ.

– Chẩn đoán và kết luận đánh giá trẻ cần đảm bảo thông tin toàn diện.

– Người đánh giá lưu ý, đây không phải buổi dạy mà là thời gian để trẻ thoải mái và bộc lộ tất cả các đặc điểm về giao tiếp, hành vi, cảm xúc của mình.

– Đảm bảo tính bảo mật thông tin của trẻ và gia đình trẻ.

6. Tổng quan phương pháp can thiệp, giáo dục trẻ em có rối loạn phổ tự kỷ

– Không có một phương pháp cụ thể nào có thể cải thiện tất cả các triệu chứng của tự kỷ, hay có hiệu quả điều trị đối với tất cả trẻ em có rối loạn phổ tự kỷ. Tuy nhiên đã có nhiều phương pháp đã được thực chứng về hiệu quả trị liệu, can thiệp và giáo dục một số triệu chứng rối loạn phổ tự kỷ căn bản.

– Hiện nay, các phương pháp, can thiệp, điều trị, trị liệu và giáo dục trẻ em có rối loạn  phổ tự kỷ được chia thành các nhóm sau:

+ Nhóm phương pháp điều trị y sinh học

+ Nhóm phương pháp dựa trên can thiệp hành vi

+ Nhóm can thiệp liên quan đến giao tiếp

+ Trị liệu giác quan/trị liệu hoạt động

+ Nhóm phương pháp hỗ trợ khác

– Sau khi được chẩn đoán và đánh giá, trẻ em rối loạn phổ tự kỷ có thể theo học ở những cơ sở chuyên biệt, chuyên nghiệp, trung tâm chuyên biệt hay trường hòa nhập tùy theo khả năng của trẻ. Mặc dù trẻ được can thiệp tích cực tại trường học thì vẫn chưa đủ để trẻ có thể phát triển tốt bởi gia đình là nơi diễn ra nhiều tình huống để có thể dạy trẻ như dạy ăn trong giờ ăn, dạy chơi và giao tiếp khi cả nhà cùng quây quần sau bữa tối hay dạy đọc truyện trước giờ đi ngủ. Bên cạnh đó, một số kĩ năng trẻ không thể học ở trường nhưng có thể học ở nhà bởi những kĩ năng này phù hợp với bối cảnh và thời điểm. Ví dụ, kĩ năng đánh răng, rửa mặt….. Do đó có thể thấy rằng can thiệp trẻ em rối loạn phổ tự kỉ yêu cầu sự liên tục và vào bất cứ thời gian nào trong ngày. Và quá trình chăm sóc, giáo dục trẻ nói chung, việc phối hợp giữa cha mẹ và giáo viên là vô cùng quan trọng.

 Nguồn: Bác sĩ CKI. Trịnh Thị Phương Phòng CTXH, Bệnh viện Nhi Thanh Hoá

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *